Ngôn ngữ :  

Bản tin ngành thuế

Một số lưu ý về chính sách thuế quý 1-2018 của Cục thuế Hà Nội
CỤC THUẾ TP HÀ NỘI
PHÒNG TT - HT
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 
 
MỘT SỐ LƯU Ý VỀ CHÍNH SÁCH THUẾ
 
QUÝ 1/2018
 
A/ Một số lưu ý về chính sách thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế được ban hành trong kỳ.
I/ Về thuế giá trị gia tăng.
1. Về việc hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư.
Tổng cục Thuế có công văn số 153/TCT-CS ngày 10/01/2018 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội và Công ty TNHH Nhịp cầu Việt Đức về việc hoàn thuế đối với dự án đầu tư.Theo đó, trường hợp Công ty thực hiện mua bất động sản tại các dự án của các Công ty khác và ký hợp đồng hợp tác với các công ty trên để cho thuê bất động sản này thu lợi nhuận thì Công ty không phải chủ dự án hay chủ đầu tư của các dự án nêu trên, mà đây chỉ là hoạt động kinh doanh của Công ty. Do vậy, hoạt động mua bất động sản tại các dự án nêu trên của Công ty không thuộc trường hợp được hoàn thuế GTGT đối với dự án đầu tư quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 100/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 10 Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 của Chính phủ.
2. Chính sách thuế GTGT đối với chứng quyền có bảo đảm.
Bộ Tài chính có công văn số 1468/BTC-CST ngày 05/02/2018 hướng dẫn về chính sách thuế đối với chứng quyền có bảo đảm.
Theo đó, các hoạt động liên quan tới chào bán, niêm  yết, giao dịch, tạo lập thị trường, kinh doanh chứng khoán, bù trừ, thanh toán chứng quyền thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.
3. Chính sách thuế GTGT đối với mặt hàng dầu ăn được làm từ mỡ cá tinh luyện.
Tổng cục Thuế có công văn số 546/TCT-CS ngày 09/02/2018 hướng dẫn Công ty cổ phần Đầu tư Du lịch và Phát triển Thủy sản về thuế GTGT.
Theo đó, thuế GTGT là thuế gián thu, mặt hàng dầu ăn được làm từ mỡ cá tinh luyện là sản phẩm đã qua chế biến thành sản phẩm khác không thuộc đối tượng áp dụng suất thuế giá trị gia tăng 5% vì vậy thuế suất GTGT đối với mặt hàng này là 10%.
4. Chính sách thuế GTGT đối với hoạt động cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở nước ngoài qua website.
 
Tổng cục Thuế có công văn số 536/TCT-CS ngày 09/02/2018 hướng dẫn Công ty cổ phần E.KI.M về thuế GTGT.
Theo đó, trường hợp Công ty cung cấp dịch vụ cho khách hàng ở nước ngoài qua website của Công ty (cung cấp mã số của thẻ nạp game và mã số của thẻ nộp tiền chơi game); việc giao kết hợp đồng website tuân thủ theo hướng dẫn tại Nghị định số 52/2013/NĐ-CP ngày 16/05/2013 của Chính phủ về Thương mại điện tử; Công ty có chứng từ chứng minh khách hàng ở nước ngoài thanh toán cho Công ty theo hình thức không dùng tiền mặt; nếu Công ty có dữ liệu xác định dịch vụ của Công ty cung cấp được tiêu dùng ngoài Việt Nam (khách hàng ở nước ngoài xác định theo địa chỉ IP của máy tính khách hàng truy cập vào đơn hàng để lấy mã số của thẻ) thì thuộc trường hợp áp dụng thuế suất thuế GTGT 0% theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính.
II/ Về thuế TNDN:
1. Chính sách thuế TNDN đối với chứng quyền có bảo đảm.
Bộ Tài chính có công văn số 1468/BTC-CST ngày 05/02/2018 hướng dẫn về chính sách thuế đối với chứng quyền có bảo đảm.
Theo đó:
- Đối với doanh nghiệp trong nước: Trường hợp trong kỳ tính thuế doanh nghiệp (bao gồm công ty chứng khoán phát hành chứng quyền và nhà đầu tư là doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam) có thu nhập từ chứng quyền có bảo đảm (thu nhập từ hoạt động đầu tư kinh doanh, chào bán và thanh toán chứng quyền, hoạt động tạo lập thị trường và phòng ngừa rửi ro của chứng quyền có bảo đảm) thì khoản thu nhập này doanh nghiệp phải kê khai, nộp thuế TNDN với mức thuế suất 20% theo quy định.
Khoản chênh lệch tăng/giảm do đánh giá lạichứng quyền có bảo đảm và tài sản cơ sở cuối năm tài chính, doanh nghiệp không tính vào thu nhập/chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN.
- Đối với tổ chức nước ngoài sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam không theo Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp (nhà thầu nước ngoài): Trường hợp nhà thầu nước ngoài có thu nhập từ chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm áp dụng tỷ lệ thuế 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng khoán từng lần.
- Thời điểm xác định thu nhập tính thuế:
+ Đối với công ty chứng khoán phát hành chứng quyền: Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm phát hành chứng quyền mua, thời điểm chứng quyền bị hủy niêm yết hoặc thời điểm thực hiện quyền.
+ Đối với nhà đầu tư (bao gồm tổ chức, cá nhân): Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm nhà đầu tư chuyển nhượng chứng quyền mua trên hệ thống giao dịch của Sở Giao dịch chứng khoán hoặc thời điểm chứng quyền bị hủy niêm yết hoặc thời điểm nhà đầu tư thực hiện quyền.
 
2. Về việc xác định chi phí được trừ đối với hàng hóa bị mất cắp trong ngành phân phối bán lẻ.
Bộ Tài chính có công văn số 911/BTC- CST ngày 23/01/2018 hướng dẫn về chi phí được trừ đối với hàng hóa bị mất cắp trong ngành phân phối bán lẻ của Công ty TNHH AEON VN.
Theo đó, doanh nghiệp được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN đối với chi phí liên quan đến phần giá trị tốn thất do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn và trường hợp bất khả kháng khác không được bồi thường và hàng hóa bị hư hỏng do thay đổi quá trình sinh hóa tự nhiên, hàng hóa hết hạn sử dụng, không được bồi thường.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 156 Bộ Luật dân sự số 91/2015/QH13 thì sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Tuy nhiên pháp luật hiện nay không có quy định sự kiện hàng hóa bị mất cắp trong hoạt động kinh doanh của ngành phân phối bán lẻ là sự kiện bất khả kháng.
III/ Về thuế TNCN:
Chính sách thuế Thu nhập cá nhân đối với đối với chứng quyền có bảo đảm.
Bộ Tài chính có công văn số 1468/BTC- CST ngày 05/02/2018 hướng dẫn về chính sách thuế đối với chứng quyền có bảo đảm.
Theo đó:
- Trường hợp trước ngày đáo hạn, nhà đầu tư chuyển nhượng chứng quyền:
Do chứng quyền có bảo đảm được giao dịch tương tự như chứng khoán cơ sở nên khi chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm thì thu nhập từ chuyển nhượng chứng quyền sẽ áp dụng thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán, được xác định bằng giá chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm từng lần nhân (x) với thuế suấ 0,1%. Trong đó:
Giá chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm từng lần là giá khớp lệnh chứng quyền trên Sở giao dịch chứng khoán nhân (x) Số lượng chứng quyền.
- Trường hợp trước ngày đáo hạn, chứng quyền bị hủy niêm yết:
Thu nhập từ chuyển nhượng chứng quyền được xác định bằng giá chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm từng lần nhân (x) với thuế suất 0,1%
Theo quy định tại điểm a, b, c Khoản 1 Điều 9 Thông tư số 107/2016/TT-BTC ngày 29/06/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn chào bán và giao dịch chứng quyền có bảo đảm thì giá chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm là:
 
+ Giá mua lại theo mức giá thị trường của tổ chức phát hành thông qua hoạt động tạo lập thị trường nhân (x) Số lượng chứng quyền (trước ngày hủy niêm yết có hiệu lực); hoặc
+ Giá thanh toán chứng quyền do tổ chức phát hành công bố nhân (x) Số lượng chứng quyền (sau ngày hủy niêm yết có hiệu lực).
Giá thanh toán của chứng quyền theo quy định tại Khoản 3 Điều 9 Thông tư số 107/2016/TT-BTC.
- Tại thời điểm nhà đầu tư thực hiện quyền:
Do hiện hành mới quy định thực hiện quyền chuyển giao bằng tiền nên thời điểm phát sinh thu nhập là thời điểm nhà đầu tư thực hiện quyền. Tại thời điểm thực hiện quyền chuyển giao bằng tiền, thu nhập của nhà đầu tư áp dụng mức thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm từng lần. Trong đó, giá
chuyển nhượng chứng quyền có bảo đảm từng lần bằng giá thanh toán của chứng khoán cơ sở nhân (x) (số lượng chứng quyền chia (:) cho Tỷ lệ chuyển đổi).
Giá thanh toán của chứng khoán cơ sở do Sở giao dịch chứng khoán công bố theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 107/2016/TT-BTC.
- Khấu trừ thuế: Công ty chứng khoán, ngân hàng lưu ký nơi cá nhân, nhà thầu nước ngoài mở tài khoản lưu ký có trách nhiệm khấu trừ thuế trước khi thanh toán tiền cho cá nhân, nhà thầu nước ngoài.
IV. Về hóa đơn:
1.  Về việc xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn:
Tổng cục Thuế có công văn số 135/TCT-CS ngày 10/01/2018 hướng dẫn Cục thuế TP Hà Nội.
         Theo đó, trường hợp Công ty đã nhận được Thông báo của cơ quan thuế thông báo hết giá trị sử dụng đối với các số hóa đơn đặt in đã phát hành nhưng chưa lập của Công ty và chuyển sang sử dụng hóa đơn mua của cơ quan thuế từ ngày 01/06/2016; Công ty không hủy các hóa đơn đã hết giá trị sử dụng theo Thông báo của cơ quan thuế mà tiếp tục sử dụng 118 số hóa đơn đã hết giá trị sử dụng từ ngày 20/06/2016 để giao cho khách hàng; như vậy, Công ty đã có hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp và bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn quy định tại Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/09/2013 của Chính phủ.
Trường hợp hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp của Công ty dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn, số thuế được miễn, giảm; hành vi trốn thuế, gian lận thuế thì ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn, Công ty còn bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo hướng dẫn tại Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính.
2. Xử phạt đối với hành vi mất liên 2 Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ:
Tổng cục Thuế có công văn số 474/TCT-CS ngày 02/02/2018 hướng dẫn Cục thuế TP Hà Nội về hóa đơn.
Theo đó, hành vi làm mất liên 2 Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ đã phát hành nhưng chưa lập hoặc hành vi làm mất liên 2 Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ đã sử dụng hoặc đã lập sai và đã xóa bỏ (đơn vị đã lập Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ khác thay thế cho các Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ đã lập sai và đã xóa bỏ) nhưng chưa đến thời gian lưu trữ thì bị xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn theo quy định tại Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/05/2016 của Chính phủ.
V/ Vấn đề khác có liên quan
1. Quy định mức thu, chế độ thu, nộp và sử dụng phí trong hoạt động hóa chất. 
Ngày 25/01/2018, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 08/2018/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu
nộp và sử dụng phí trong hoạt động hóa chất.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 12/03/2018; thay thế Thông tư số 170/2016/TT-BTC ngày 26/10/2016 của Bộ Tài chính.
2. Quy định mức thu, miễn, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quyền hoạt động viễn thông và lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông.
Ngày 12/01/2018, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 03/2018/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 273/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, miễn, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí quyền hoạt động viễn thông và lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ viễn thông và giấy phép nghiệp vụ viễn thông.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/03/2018.
3. Quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin doanh nghiệp, lệ phí đăng ký doanh nghiệp.
Ngày 04/12/2017, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 130/2017/TT-BTC về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 215/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí cung cấp thông tin DN, lệ phí đăng ký DN.
Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 20/01/2018.
B/ MỘT SỐ TÌNH HUỐNG CỤ THỂ.
1. Tình huống 1: Quyết toán thuế TNCN đối với người lao động điều chuyển trong cùng một hệ thống:

 
Tổng cục Thuế có công văn số 407/TCT-CS ngày 29/01/2018 hướng dẫn Cục thuế tỉnh Đồng Tháp về việc kê khai, khấu trừ thuế TNCN của cá nhân có nhiều nguồn thu nhập từ tiền lương, tiền công khi tổng hợp dữ liệu quyết toán.
Theo đó, trường hợp người lao động trong năm có phát sinh điều chuyển giữa các tổ chức trong cùng một hệ thống như: tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ - con, Trụ sở chính và chi nhánh nếu trong năm người lao động không có thêm thu nhập từ tiền lương tiền công tại một nơi nào khác thì được ủy quyền quyết toán cho tổ chức mới quyết toán thuế thay đối với cả phần thu nhập tổ chức cũ chi trả.
Khi cơ quan thuế thực hiện kiểm tra hồ sơ quyết toán thuế đối với trường hợp nêu trên cần lưu ý đối với các cơ quan chi trả thu nhập cho cá nhân người lao động có thuộc các trường hợp Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ - con, Trụ sở chính và chi nhánh nêu trên hay không để là một trong các căn cứ xác định đối tượng cần kiểm tra nguồn thu nhập.
2. Tình huống 2: Thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân:

Ngày 23/1/2018, Cục Thuế TP Hà Nội có công văn số 3662/CT-TTHT về việc xử phạt hành vi chậm nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế, theo đó:
- Về việc thay đổi thông tin đăng ký thuế:
Trường hợp người nộp thuế là cá nhân có phát sinh thay đổi thông tin về căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân dẫn đến thay đổi thông tin đăng ký thuế thì ngày phát sinh thay đổi để xác định thời hạn nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế của cá nhân đến cơ quan thuế quản lý trực tiếp là ngày ghi trên căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân cộng thêm số ngày cụ thể như sau:
+ Tại thành phố, thị xã không quá 07 ngày làm việc đối với trường hợp cấp mới và đổi; không quá 15 ngày làm việc đối với trường hợp cấp lại;
+ Tại các huyện miền núi, vùng cao, biên giới, hải đảo không quá 20 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp cấp mới, đổi, cấp lại.
+ Tại các khu vực còn lại không quá 15 ngày làm việc đối với tất cả các trường hợp cấp mới, đổi, cấp lại.
- Về việc xử phạt vi phạm hành chính về thuế:
Người nộp thuế có hành vi chậm thay đổi thông tin trong hồ sơ đăng ký thuế so với thời hạn quy định không phân biệt cố ý hay vô ý đều bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế theo quy định của Luật quản lý thuế, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
3. Tình huống 3: Xác định hành vi vi phạm hành chính về thuế.
 

Ngày 28/2/2018, Tổng cục Thuế có công văn số 687/TCT-TNCN hướng dẫn xác định hành vi vi phạm hành chính về thuế, theo đó:
- Trường hợp các đơn vị tổ chức chi trả có hành vi khai sai quyết toán thuế TNCN theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 129/2013/NĐ-CP thì Đoàn kiểm tra khi thực hiện kiểm tra quyết toán thuế áp dụng xử phạt 20% trên số tiền thuế khai thiếu hoặc số tiền thuế đã đuợc hoàn, số thuế được miễn, giảm cao hơn so với quy định của pháp luật thuế theo quy định tại Khoản 2 Điều 10 Nghị định 129/2013/NĐ-CP; Ngoài ra, đơn vị còn phải nộp đủ tiền thuế nợ, số tiền thuế thiếu, tiền thuế chậm nộp vào NSNN.
- Trường hợp các đơn vị tổ chức chi trả có hành vi khai sai QTT TNCN theo quy định tại Khoản 1 Điều 10 Nghị định 129/2013/NĐ-CP nhưng không dẫn đến thiếu số thuế phải nộp, tăng số thuế đuợc miễn, giảm hoặc chưa được hoàn thì không bị xử phạt theo quy định tại Điều này mà xử phạt theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định 129/2013/NĐ-CP.
Trong quá trình kiểm tra cơ quan thuế căn cứ vào tình hình phát sinh thực tế tại đơn vị tiến hành rà soát, đối chiếu chi tiết đến từng cá nhân phải kê khai nộp thuế TNCN để xác định chính xác số thuế TNCN phải nộp trong kỳ.
4. Tình huống 4: Xác định tiền chậm nộp đối với nộp thuế qua ngân hàng.

 
Ngày 27/2/2018, Tổng cục Thuế có công văn số 659/TCT-DNL trả lời Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Sở giao dịch về việc tiền chậm nộp đối với nộp thuế qua ngân hàng, theo đó:
- Số ngày chậm nộp tiền thuế được xác định làm căn cứ tính tiền chậm nộp đối với người nộp thuế được tính từ ngày liền kề sau ngày cuối cùng người nộp thuế phải nộp thuế đến ngày người nộp thuế đã nộp thuế thành công vào NSNN. Người nộp thuế tự xác định số tiền chậm nộp tiền thuế tính trên số ngày chậm nộp tiền thuế. Số tiền chậm nộp không thuộc các trường hợp đuợc miễn tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định.
- Trường hợp Doanh nghiệp chậm nộp tiền thuế so với thời hạn quy định phải thực hiện nộp tiền chậm nộp tiền thuế theo quy định.
Trường hợp việc nộp thuế vào NSNN của Doanh nghiệp bị chậm cho lỗi của Ngân hàng thì Ngân hàng phải chịu trách nhiệm trả Công ty số tiền chậm nộp tiền thuế để thực hiện nộp vào NSNN theo quy định./.
5. Tình huống 5: Khoản bảo hiểm của cá nhân cư trú là người nước ngoài được trừ khi tính thuế TNCN:

Ngày 27/2/2018, Tổng cục Thuế có công văn số 668/TCT-CS trả lời Cục Thuế tỉnh Bình Dương về chính sách thuế TNCN, theo đó:
Trường hợp cá nhân là người nước ngoài thuộc đối tượng cư trú tại Việt Nam có thu nhập từ tiền lương, tiền công được trả tại nước ngoài tham gia đóng bảo hiểm bắt buộc của quốc gia nơi cá nhân mang quốc tịch tương tự như các khoản bảo hiểm bắt buộc tại Việt Nam như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác (nếu có) thì các khoản bảo hiểm bắt buộc đó được trừ vào thu nhập chịu thuế TNCN của cá nhân. Cá nhân cần xuất trình chứng từ chứng minh các khoản bảo hiểm đã đóng tại nước ngoài để có cơ sở khấu trừ khi tính thuế TNCN./.